Giải đáp nhiều vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tài sản vào nội địa

 
 

Giải đáp nhiều vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tài sản vào nội địa

 

(HQ Online)- Để DN hiểu rõ hơn về những chính sách linh hoạt trong thu hút đầu tư đối với các DN Hàn Quốc đã và đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan giải đáp một số vướng mắc của DN liên quan đến việc chuyển đổi hình thức sử dụng, XK, NK đối với hàng hóa, tài sản, sản phẩm vào thị trường nội địa.

Hoạt động sản xuất tại công ty Sam sung. Ảnh: S.T.

DN đã thành lập nhà máy gia công với 100% vốn đầu tư của công ty mẹ tại Hàn Quốc. Khi xây dựng nhà máy, DN đã nhập máy móc thiết bị và được miễn thuế. Gần đây DN cần nâng cấp nhà máy và đã đổi sang sử dụng các máy móc thiết bị mới. Số máy móc thiết bị cũ bị thừa và DN muốn bán cho DN khác tại Việt Nam. Để thực hiện đúng chính sách pháp luật về thanh lý máy móc cho DN nội địa, nhiều DN Hàn Quốc hỏi thủ tục thanh lý trong trường hợp bán các máy móc thiết bị được miễn thuế khi NK như thế nào? Trường hợp không bán được ở Việt Nam và phải bán ra nước ngoài thì được xem là phải XK máy móc thiết bị được miễn thuế ra nước ngoài thì cần xử lý thế nào?

Về thủ tục bán máy móc, thiết bị được miễn thuế, theo Tổng cục Hải quan, Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“1. Nguyên tắc thực hiện…

d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan…

b) Đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng bằng hình thức tái xuất: Người nộp thuế phải kê khai theo quy định tại điểm a khoản này, nhưng không phải nộp thuế”.

Liên quan đến thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị thay đổi mục đích sử dụng, tại Khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) quy định: “5. Đối với hàng hóa XNK thuộc đối tượng không chịu thuế XNK, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để gia công, sản xuất hàng hóa NK và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa XNK; chính sách thuế đối với hàng hóa XNK thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa XNK tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu”.

Tổng cục Hải quan cho rằng, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp DN thay đổi mục đích miễn thuế đối với hàng hóa NK thì phải khai tờ khai hải quan mới; chính sách quản lý hàng hóa XNK và chính sách thuế đối với hàng hóa XNK thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa XNK tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu. Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế thực hiện theo quy định tại Chương II Luật Thuế XK, thuế NK.

DN là DN chế xuất (EPE), sản xuất linh kiện điện tử. Ban đầu khi thành lập chúng tôi dự kiến sẽ XK 100%, tuy nhiên, hiện nay DN bán hàng cho cả DN tại Việt Nam trong đó có Samsung và tỷ lệ bán hàng tại thị trường nội địa ngày một gia tăng. Dự báo tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian tới có thể lên đến 40%.

DN thắc mắc, khi tỷ lệ tiêu thụ nội địa tăng cao liệu DN có còn được công nhận DN EPE không? Giới hạn tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa của DN EPE là bao nhiêu %? Trong trường hợp đơn vị tính khác nhưng việc chuyển đổi giữa các đơn vị không gặp vấn đề  thì xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề DN thắc mắc, Tổng cục Hải quan cho biết, Khoản 10 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất có quy định “DN EPE là DN được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc DN chuyên sản xuất sản phẩm để XK hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế”. Cũng tại Khoản 5 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất thì: “…5. DN EPE được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của DN và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa XNK trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi NK; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép NK đồng ý bằng văn bản…”.

Cũng tại Khoản 2 Điều 75 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 51 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định: “Đối với hàng hóa mua, bán giữa DN EPE với DN nội địa: DN EPE, DN nội địa làm thủ tục hải quan XNK tại chỗ theo loại hình tương ứng quy định tại Điều 86 Thông tư này”.

Ngoài ra, Điều 8 Luật Đầu tư năm 2005 và Điều 10 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện: XK hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ XK hoặc sản xuất, cung ứng trong nước; đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không “giới hạn tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa của DN EPE”; khi DN EPE bán hàng hóa vào thị trường nội địa Việt Nam, DN EPE và DN nội địa làm thủ tục XNK tại chỗ theo quy định và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế theo quy định (nếu có).

Về việc thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK, hàng hóa XK, tại Khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định: Tổ chức, cá nhân lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK, hàng hoá XK theo hình thức nhập - xuất - tồn kho nguyên liệu, kho thành phẩm theo từng mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm đang theo dõi trong quản trị sản xuất và đã khai trên tờ khai hải quan khi NK nguyên liệu, vật tư, XK sản phẩm.

Trường hợp quản trị sản xuất của tổ chức, cá nhân có sử dụng mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm khác với mã đã khai báo trên tờ khai hải quan khi NK nguyên liệu, vật tư, XK sản phẩm, tổ chức, cá nhân phải xây dựng, lưu giữ bảng quy đổi tương đương giữa các mã này và xuất trình khi cơ quan Hải quan kiểm tra hoặc có yêu cầu giải trình.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân lập và nộp báo cáo quyết toán về tình hình xuất -  nhập - tồn kho nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hoá XK theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 25 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này; báo cáo quyết toán về tình hình nhập - xuất - tồn kho thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hoá XK theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 26 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 15a/BCQTSP-GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này.

Tổng cục Hải quan đề nghị DN nghiên cứu quy định nêu trên để thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK, hàng hóa XK đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện. Đồng thời, để tránh các trường hợp chênh lệch số liệu giữa cơ quan Hải quan và DN (đây là một trong những dấu hiệu cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư), do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị DN lưu ý: Đối với đơn vị tính của nguyên vật liệu trên tờ khai XNK sai khác/không thống nhất với đơn vị tính trên các báo cáo quyết toán, bảng thông báo định mức tại mẫu 16/TBĐMTT/GSQL và thực tế quản trị sản xuất của DN thì DN phải xây dựng bảng quy đổi để thống nhất 1 đơn vị tính.

Theo baohaiquan.vn

 

Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo HCD Group Facebook HCD Group Youtube HCD Group