Ethylene trở nên khan hiếm vì bão Harvey

 

Ethylene trở nên khan hiếm vì bão Harvey

 

Ethylene trở nên khan hiếm vì bão Harvey

 
Nhà máy hóa lọc dầu của Exxon Mobil ở thành phố Baytown, bang Texas, bị ảnh hưởng do bão Harvey. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) - Siêu bão Harvey khiến nguồn cung ethylene giảm đột ngột do hàng loạt nhà máy hóa dầu ở vùng vịnh của nước Mỹ phải đóng cửa. Sự khan hiếm ethylene sẽ gây ra tác động lan tỏa ra khắp ngành sản xuất những mặt hàng thiết yếu của Mỹ từ bình sữa, nệm ngủ cho đến sơn, linh kiện ô tô, theo Bloomberg.

Hóa chất thiết yếu nhất trong đời sống

Ít người Mỹ quan tâm đến ethylene. Nhiều người có thể chưa bao giờ nghe đến nó nhưng loại khí không màu, có thể cháy này có thể được xem là hóa chất quan trọng nhất trên hành tinh và phần lớn nó được sản xuất ở vùng vịnh của nước Mỹ, nơi vừa bị siêu bão Harvey tàn phá. “Ethylene thực sự là một hóa chất quan trọng tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất”, Chirag Kothari, nhà phân tích ở Công ty tư vấn Nexant, nói

Riêng bang Texas sản xuất gần ¾ nguồn cung của ethylene của nước Mỹ. Ethylene là nền tảng để sản xuất các loại nhựa thiết yếu như PE, PET, PVC... được sử dụng trong các mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp, bao gồm linh kiện ô tô và tã trẻ em.

Siêu bão đổ bộ vào bang Texas hôm 25-8, gây ra lượng mưa lớn, làm ngập úng nhiều nơi, khiến hầu hết các nhà máy ở bang Texas phải đóng cửa. Điều này có nghĩa là 61% công suất ethylene của Mỹ phải ngưng hoạt động, theo trang tin PetroChemWire.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng phải đến tháng 11, công suất ethylene của Mỹ mới có thể khôi phục về mức trước bão.

Ethylene là thành phần nguyên liệu trong nhiều sản phẩm từ tã trẻ em, áo quần, bao bì cho đến hàng sơn, hàng dệt may, linh kiện ô tô. Ảnh: alleghenyfront.org

Ethylene xuất hiện trong tự nhiên dưới dạng khí thoát ra từ các loại trái cây khi chúng chín. Tuy nhiên, nó cũng nằm ngay trung tâm của ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu trị giá 3.500 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái, các nhà máy hóa dầu trên thế giới đã sản xuất 146 triệu tấn khí ethylene. Các nhà máy sẽ xử lý để biến ethylene thành polyethylene (PE), loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới được sử dụng để sản xuất bao bì và đóng gói thực phẩm. Ethylene cũng có thể được dùng để sản xuất ethylene glycol, một chất chống đông giúp động cơ và cánh máy bay khỏi bị tụ băng vào mùa đông. Nó cũng là nền tảng để tạo ra sợi tổng hợp polyester được sử dụng trong hàng dệt may và các chai nhựa đựng nước.

Ethylene là một thành phần trong các sản phẩm nhựa vinyl chẳng hạn ống nhựa PVC được sử dụng để dẫn nước máy vào nhà hay để sản xuất các đế giày thể thao êm ái. Nó giúp chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu thông qua sản phẩm xốp cách nhiệt polystyrene hay các linh kiện ô tô bằng nhựa giúp tiết kiệm nhiên liệu nhờ trọng lượng nhẹ.
Ethylene còn được sử dụng để chế tạo cao su tổng hợp, nguyên liệu sản xuất lốp xe. Nó cũng là một thành phần không thể trong các loại sơn.

Bị tàn phá ở quy mô chưa có tiền lệ

Các nhà máy hóa dầu chưng cất ethylene bằng hơi nước gia nhiệt dầu hoặc khí đốt ở nhiệt độ 816 độ C bên trong các lò nung để phá vỡ các mối liên kết phân tử. Khí ethylene thoát ra trong qua trình này được tách riêng ra và truyền theo đường ống đến các đơn vị sản xuất để chuyển đổi sang một loạt sản phẩm nhựa.
Ethylene và các chất dẫn xuất từ ethylene chiếm khoảng 40% doanh thu hóa chất toàn cầu mỗi năm, Hassan Ahmed, nhà phân tích ở Công ty tư vấn Alembic Global Advisors, cho biết.

Mỹ cung cấp 20% nhu cầu ethylene trên thị trường và trước khi bão Harvey đổ bộ, các nhà máy sản xuất ethylene trên toàn cầu đang vận hành gần như tối đa công suất để đáp ứng nhu cầu trên toàn cầu. “Vậy nên chỉ cần một trục trặc nhỏ trong sản xuất ethylene cũng sẽ khiến cân bằng cung cầu bị siết chặt”, Ahmed nói.

Dù các nhà máy hóa dầu ở vùng vịnh được thiết kế để giúp chúng có khả năng chịu đựng mưa lũ, bão lớn, bão Harvey vẫn đẩy ngành công nghiệp hóa chất Mỹ vào thế bất ngờ. Nhiều công ty sản xuất ethylene nằm dọc theo bờ biển Texas thuộc vùng vịnh gồm LyondellBasell Industries, Exxon Mobil, Chevron Phillips Chemical đã bị ảnh hưởng nặng nề do bão Harvey.

“Đường đi của bão Harvey, thời gian bão càn quét và lượng mưa đã cùng hợp lực tàn phá nguồn cung của ngành công nghiệp hóa chất Mỹ ở quy mô chưa có tiền lệ. Chúng tôi chắc chắn chưa chứng kiến bất kỳ biến cố nào như vậy trong 18 năm theo dõi các cổ phiếu ngành hóa chất trên thị trường chứng khoán Phố Wall”, Kevin McCarthy, nhà phân tích ở Công ty tư vấn đầu tư Vertical Research Partners (Mỹ), nói.

Các nhà máy khất hẹn giao hàng

Sự khan hiếm đột ngột ethylene và nhiều hóa chất khác đang tác động đến chuỗi cung ứng. Hơn 50% công suất sản xuất nhựa polyethylene (PE) của Mỹ đã ngưng hoạt động trong tuần qua. Hơn 60% công suất sản xuất polypropylene (PP), một loại nhựa khác, cũng bị ngưng trệ.

Trong thư gửi cho các nhà đầu tư, Ngân hàng đâu tư Jefferies cảnh báo các khách hàng, đang sử dụng nhựa và hóa chất trong sản xuất, chỉ có thể hoạt động trong hai tuần nữa trước khi lượng hàng tồn kho cạn kiệt. Nhiều nhà sản xuất nhựa và hóa chất đã thông báo với khách hàng rằng họ không thể giao hàng đầy đủ theo hợp đồng vì bão Harvey.

Tập đoàn nhựa Formosa cũng đã đóng cửa các nhà máy sản xuất nhựa và ethylene ở thành phố Point Comfort, bang Texas trước khi bão Harvey đổ bộ. Hôm 30-8, tập đoàn này thông báo sẽ không thể bảo đảm các cam kết giao hàng polyethylene, polypropylene và PVC.

Phải mất nhiều tuần nữa, công suất ethylene của Mỹ mới phục hồi trở về mức trước bão Harvey vì quy trình sản xuất ethylene rất phức tạp, cần nhiều thời gian để thẩm định cẩn thận các thiệt hại ở các nhà máy.

Các công ty sẽ không biết chắc liệu nhà máy của họ có bị hư hại hay không cho đến khi họ tái khởi động chúng. Nhà phân tích Hassan Ahmed cho rằng đến lúc đó, có lẽ, họ sẽ phát hiện ra nước lũ đã làm hư hại một thiết bị quan trọng nào đó. “Giờ đây, không ai có thể nắm rõ đầy đủ mức độ hư hại”, Ahmed nói.

Cho dù, ngành công nghiệp hóa chất vận hành đầy đủ trở lại trong vài tuần tới, các khó khăn về logistics vẫn có thể cản trở dòng chảy nguồn cung đến khách hàng và gây ra những điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, nhiều tàu lửa chở hàng đang phải ngưng hoạt động vì các đường ray bị hư hại nhưng chưa được sửa chữa hoặc vẫn đang ngập trong nước lũ.

Các nhà sản xuất polypropylene phải mất hai tuần nữa mới có thể giao các sản phẩm của họ qua đường tàu lửa, theo Công ty dịch vụ tài chính IHS Markit.

Trong khi đó, giá của các sản phẩm dẫn xuất từ ethylene có những dấu hiệu nhích lên do nguồn cung thiếu hụt. IHS Markit cho biết giá của polyethylene trên toàn cầu cũng bắt đầu tăng vì giới đầu tư lo ngại sản lượng xuất khẩu polyethylene của Mỹ sẽ bị giảm mạnh sau bão Harvey.

Thiệt hại do bão Harvey có thể lên mức 180 tỉ đô la

Thống đốc bang Texas Greg Abbott hôm 3-9 cho biết thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra cho bang Texas có thể lên đến mức 150-180 tỉ đô la Mỹ vượt quá mức thiệt hại của các siêu bão lịch sử khác Katrina hay Sandy

Bão Harvey là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào bang Texas trong 50 năm qua, làm thiệt mạng khoảng 47 người, khiến hơn một triệu người mất nhà cửa và phá hủy một khu vực rộng lớn trải dài 480km. “Tôi nhớ là siêu bão Katrina gây thiệt hại hơn 120 tỉ đô la Mỹ nhưng khi bạn nhìn vào số nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng bởi cơn bão này, tôi nghĩ mức thiệt hại có thể lên đến 150-180 tỉ đô la”, Thống đốc Abbott nói với đài truyền hình Fox News.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội Mỹ bước đầu giải ngân 7,85 tỉ đô la Mỹ để phục vụ các nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Houston, thành phố lớn thứ tư nước Mỹ, vẫn đang chật vật hồi phục.

Hôm 3-9, chính quyền Houston đã ra lệnh hàng ngàn người ở phía tây thành phố phải sơ tán để xả nước từ một hồ chứa đang tích tụ đầy nước. Chính quyền đã phải cắt điện để gây sức ép đối một số hộ dân không chịu sơ tán.
Nhiều khu vực ở Texas vẫn đang còn bị ngập lụt và dự kiến nước sẽ chưa rút hết trong vòng một tuần nữa. Cục An toàn công cộng bang Texas cho biết gần 200.000 căn nhà ở bang này bị hư hại do lũ lụt và khoảng 12.600 căn nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Theo vpas.vn

Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo HCD Group Facebook HCD Group Youtube HCD Group