Nguy cơ tăng giá hàng hóa do cước vận tải biển tăng kỉ lục!

 Thị trường đang phải cùng lúc đối mặt với một loạt các yếu tố tiêu cực: nhu cầu hàng hóa tăng cao, tình trạng thiếu container, các cảng tắc nghẽn, thiếu tàu chở hàng cũng như thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng...Hệ quả khiến mọi tuyến đường đều phải chịu sức ép lớn, dẫn đến việc giá cước vận chuyển hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu. 
 Cước vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua dẫn đến nguy cơ tăng giá mọi mặt hàng. Theo dữ liệu của Drewry World Container Index cho thấy: chi phí vận chuyển hàng container bằng đường biển từ Châu Á sang Châu Âu tăng kỷ lục trên 10.000USD - Tăng 547% so với mức trung bình trong 5 năm gần đây. 
Vì 80% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, việc tăng cước phí vận chuyển sẽ kéo theo nguy cơ tăng giá của tất cả các hàng hóa, bao gồm cả những thứ nhỏ nhặt như cà phê, đường, đồ chơi trẻ em...



Trước đây, chi phí vận chuyển thường được coi là không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát bởi chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay cho thấy, mỗi doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn về vấn đề này. HSBC ước tính giá cước vận chuyển bằng container tăng 205% sẽ khiến chi phí sản xuất của khu vực euro tăng thêm 2%. 
Jordi Espin - chuyên gia của Hội đồng các nhà vận tải biển ở Châu Âu - Tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 nhà bán lẻ, bán buôn và sản xuất cho biết: Đối với các nhà bán lẻ, họ sẽ phải đối diện với 3 lựa chọn: Tạm dừng nhập hàng; Tăng giá hoặc tự gánh chịu chi phí để sau này mới chuyển dần gánh nặng lên người tiêu dùng. Và mặc dù lựa chọn điều gì thì cũng dẫn đến việc giá cả sẽ tăng. Theo ông, hiện tại một phần gánh nặng về chi phí đã được chuyển sang cho người tiêu dùng. 
Châu Âu gần đây cũng đã ngừng nhập khẩu cá cơm Anchovy từ Peru vì chi phí cao hơn khiến mặt hàng này không cạnh tranh với nguồn cung từ địa phương. Tương tự, người trồng oliu từ Châu Âu cũng không còn đủ khả năng để xuất khẩu hàng sang Mỹ. Trong khi đó, chuỗi cung ứng tắc nghẽn và giá vận chuyển tăng cao đã tác động đến lưu chuyển hạt cà phê được Starbucks ưa chuộng và hạt Robusta phần lớn có nguồn gốc từ Châu Á, dùng làm cà phê hòa tan.
Các công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có kích thước lớn, cồng kềnh nhưng giá trị thấp như đồ chơi, đồ nội thất...hiện đang chịu nhiều khó khăn hơn. Sản phẩm cồng kềnh có nghĩa là các container không thể chứa được nhiểu hàng, và giá của hàng hóa sẽ tăng lên đáng kể sau khi cập bến. Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Sea-Intelligence - Alan Murphy cho biết: Với một số nhà sản xuất đồ nội thất giá rẻ, chi phí vận chuyển đã chiếm đến 62% tổng giá bán lẻ. 
Rất ít dự đoán rằng giá container sẽ giảm mạnh trong thời gian ngắn. Do vậy, hầu hết các công ty đều đang cố gắng để vật lộn với tình trạng này. Một số doanh nghiệp quyết định dừng xuất khẩu đến một vài thị trường nhất định, trong khi số khác tìm kiếm hàng hóa, nguyên liệu thô ở những địa điểm gần hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có nhiều công ty phải tái cấu trúc, rút ngắn chuỗi cung ứng - Philip Damas người đứng đầu Drewry Supply Chain Advisors cho hay. 
Tuy nhiên, cho đến nay, các ngân hàng trung ương vẫn coi nhẹ hiện tượng cước phí vận tải tăng trên toàn cầu. Họ cho rằng những điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng sẽ sớm phai nhạt dù nó có thể kéo dài đến hết năm nay. Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo không nên coi thường nguy cơ lạm phát. Kể cả khi mức độ nhỏ hơn so với ước tính, cơn sóng lạm phát đã tích tụ suốt hơn một năm và do đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tồn tại nguy cơ chúng ta đánh giá các tác động thấp hơn so với thực tế có thể xảy ra - Giáo sư Volker Wieland (Goethe University - Đức) nhận định. 
Theo Internet
Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo HCD Group Facebook HCD Group Youtube HCD Group