Lợi đôi đường
Thống kê sơ bộ đến 10/4/2017, cơ quan Thuế đã tiếp nhận 247 hồ sơ đề nghị xét hoàn thuế bằng phương thức điện tử với số tiền đề nghị hoàn là 1.925 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan Thuế mới xét hoàn thuế cho 145 hồ sơ, với số tiền được hoàn là 886 tỷ đồng. Còn 102 hồ sơ đang trong giai đoạn giải quyết, trong đó Đồng Nai là địa phương có số hồ sơ đề nghị hoàn nhiều nhất (87 hồ sơ), tiếp đến là Hà Nội (60 hồ sơ), Cần Thơ (17 hồ sơ), Hải Phòng (16 hồ sơ), TP.HCM (11 hồ sơ),... |
Là một trong hai địa phương đầu tiên thí điểm hoàn thuế, Cục Thuế Hà Nội có thể nhìn nhận rõ nhất các lợi ích đó. Theo ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, hoàn thuế điện tử là phương thức tiên tiến, tạo thuận lợi rất lớn cho DN với nhiều tiện ích. DN gửi toàn bộ hồ sơ hoàn thuế qua mạng điện tử, kể cả các hồ sơ bổ sung. Cơ quan Thuế không yêu cầu DN gửi chứng từ giấy, trừ trường hợp quá nhiều và bản thân DN không biết cách cập nhật thì có thể mang đến cơ quan Thuế để được hướng dẫn. Phương thức điện tử hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng, giúp DN tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, tiếp xúc trực tiếp, giảm phiền toái, tiêu cực, giảm thời gian chờ đợi,…
Cùng chung nhận định này, ông Lê Ngọc Trữ - Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho rằng, thông qua phương thức hoàn thuế điện tử, cán bộ công chức ngành Thuế và cộng đồng DN đã được tiếp cận, làm quen với dịch vụ mới, thay đổi cách thức xử lý hồ sơ theo hướng hiện đại, minh bạch. Đặc biệt, đã góp phần đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế, tạo thuận lợi cho NNT, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN, tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua hơn 4 tháng triển khai thí điểm cho thấy, dịch vụ hoàn thuế điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho DN và NNT.
Tuy nhiên, theo ông Viên Viết Hùng, tuy áp dụng hoàn thuế điện tử là quy trình tạo thuận lợi cho DN, song lại tạo áp lực rất lớn lên cơ quan Thuế. Khác với các quy trình khai, nộp thuế chủ yếu là hoạt động của DN (tự khai, tự nộp, cơ quan Thuế ít can thiệp), hoàn thuế là quy trình xử lý của cơ quan Thuế, là việc tiền xuất từ quỹ NSNN ra. Việc kiểm tra, giám sát là do cán bộ thuế trực tiếp làm. Việc yêu cầu DN cung cấp hồ sơ thường xuyên hơn, đòi hỏi DN cập nhật thường xuyên hơn và rủi ro lớn hơn, trong điều kiện 6 ngày phải trả cho hồ sơ diện hậu kiểm và 45 ngày với hồ sơ tiền kiểm.
Mặt khác, ông Lê Ngọc Trữ cho biết: Một số DN chưa quen với việc sử dụng dịch vụ mới nên tâm lý chưa tự tin. Một số vấn đề về mặt kỹ thuật liên quan đến hệ thống ứng dụng chưa ổn định nên phần nào ảnh hưởng tới thời gian tiếp nhận, trả hồ sơ của NNT…
Để khắc phục tình trạng trên, các đơn vị Thuế địa phương áp dụng thí điểm đều đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ cho DN và NNT, đồng thời phản ánh những vướng mắc để Tổng cục Thuế hỗ trợ kịp thời về mặt ứng dụng và kỹ thuật, giúp NNT yên tâm sử dụng dịch vụ và phục vụ kịp thời các hồ sơ đề nghị hoàn thuế điện tử của DN.
Triển khai thuận lợi
Theo ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, vừa qua, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ tới 13 Cục Thuế các tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Kon Tum, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Thái Nguyên. Trong tháng 5/2017, Tổng cục Thuế cũng đã hoàn thành việc tập huấn cho các địa phương và triển khai mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ trên cả nước với việc mỗi tỉnh lựa chọn 50 NNT phù hợp để áp dụng hoàn thuế điện tử. Dự kiến, ngày 1/8 tới đây, việc hoàn thuế điện tử sẽ chính thức được áp dụng rộng rãi với tất cả các DN. Song song đó, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Kho bạc để xây dựng và kết nối hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin giữa hai ngành cho phép cơ quan Thuế gửi Quyết định hoàn và lệnh hoàn theo đường điện tử cho cơ quan Kho bạc và cơ quan Thuế nhận kết quả chi trả hoàn từ cơ quan Kho bạc. Như vậy, DN sẽ chỉ cần gửi hồ sơ hoàn điện tử tới cơ quan Thuế và được nhận kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế điện tử đầy đủ của cả cơ quan Thuế (từ khâu nộp hồ sơ đề nghị hoàn) và cơ quan Kho bạc (đến khâu cuối giải quyết hồ sơ, chi trả tiền hoàn thuế của cơ quan Kho bạc).
Để việc triển khai hoàn thuế điện tử diễn ra thuận lợi, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các địa phương ngay sau khi hoàn thành việc tập huấn cần thực hiện ngay các công việc liên quan đến công tác triển khai hoàn thuế điện tử như: Thành lập các ban chỉ đạo, tổ triển khai, nhóm hỗ trợ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, lựa chọn NNT tham gia thí điểm theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho NNT và cán bộ thuế,... Các cục thuế cũng cần phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền sâu rộng trên các báo đài địa phương để nâng cao nhận thức của NNT đối với dịch vụ hoàn thuế điện tử, từ đó nhận được sự ủng hộ lớn nhất của NNT; nâng cao ý thức chủ động và sẵn sàng của NNT trong quá trình nộp hồ sơ khai thuế đảm bảo được kê khai kịp thời, đầy đủ, chính xác, minh bạch và ổn định. “Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế sẽ có đủ điều kiện và cơ sở dữ liệu để có thể giải quyết hồ sơ hoàn thuế và trả kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế một cách nhanh chóng, kịp thời"- ông Trí nhấn mạnh.
Để thống nhất công tác triển khai, Tổng cục Thuế yêu cầu việc lựa chọn DN trong giai đoạn mở rộng phải đáp ứng tiêu chí như có lịch sử chấp hành tốt pháp luật về thuế nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng; đã thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; NNT thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc trường hợp hoàn xuất khẩu, hoàn dự án đầu tư theo tháng, quý và nhận tiền hoàn trả qua tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan Thuế.
Tuy vừa bước qua giai đoạn thí điểm và bắt đầu triển khai mở rộng, song việc hoàn thuế điện tử đã mang lại hiệu quả tích cực, phát huy được tính minh bạch và hạn chế được những tiêu cực trong xét duyệt hoàn thuế như trước đây. Điều đó chứng minh rằng, hoàn thuế điện tử thực sự là một trong những giải pháp cải cách hành chính hiệu quả của ngành Thuế, sẽ góp phần lớn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo mục tiêu của Nghị quyết 36a và các Nghị quyết 19 mà Chính phủ đã đề ra.
Lộ trình triển khai hoàn thuế điện tử: - Ngày 27/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2790/QĐ-BTC về việc áp dụng thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử. Theo đó, từ 9/1/2017 áp dụng thí điểm dịch vụ hoàn thuế điện tử tại Hà Nội và Hải Phòng. - Từ 1/3/2017, Tổng cục Thuế đã mở rộng triển khai thí điểm tại 11 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Kon Tum, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Thái Nguyên. - Ngày 24/4/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 710/QĐ-BTC về triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử. Theo đó, từ 15/5/2017, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng trên toàn quốc, bước đầu, mỗi Cục Thuế lựa chọn 50 NNT đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ hoàn thuế điện tử. - Dự kiến 1/8/2017, nếu mọi điều kiện thuận lợi, Tổng cục Thuế sẽ triển khai chính thức hoàn thuế điện tử trên phạm vi cả nước với tất cả các DN. |
Theo baohaiquan.vn