Cụ thể hóa quy định về kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

 
 

Cụ thể hóa quy định về kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

 

(HQ Online)- Dự thảo Thông tư liên quan đến kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK đang được Tổng cục Hải quan hoàn thiện các bước cuối trước khi trình Bộ Tài chính kí ban hành. Đây là bước hoàn thiện chính sách về kiểm tra xuất xứ hàng hóa XK, NK khi thực hiện thủ tục hải quan theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Bình.

Giải thích thời điểm nộp C/O

Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, kiểm tra xuất xứ hàng hóa là lĩnh vực nghiệp vụ sâu, liên quan trực tiếp đến hoạt động XK, NK hàng hóa của DN. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức lấy ý kiến hiệp hội, DN và hải quan địa phương để hoàn thiện. Để rà soát nội dung dự thảo, trước khi trình Bộ Tài chính ký ban hành trong tháng 4/2018, mới đây Tổng cục Hải quan đã có buổi làm việc với đại diện một số DN, hiệp hội.

Tham gia ý kiến, đại diện các DN, hiệp hội tập trung vào quy định liên quan đến các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) NK;  thời điểm nộp C/O đối với hàng hóa NK; thủ tục xác minh xuất xứ hàng hóa…

Trả lời câu hỏi của Công ty Toyota Việt Nam về trường hợp hàng hóa từ các nước trong Hiệp định WTO có phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa không? Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, tại Điều 4 dự thảo Thông tư quy định 5 trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp DN muốn hưởng ưu đãi thuế đặc biệt đương nhiên phải nộp C/O; nếu hàng hóa NK từ các nước thành viên WCO và không thuộc diện quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 4 (Hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý NK; Hàng hoá thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ; Hàng hoá thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng; Hàng hóa thuộc diện đang được thông báo nghi ngờ NK từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận...) thì không phải nộp C/O. Nhưng nếu hàng hóa đó NK từ nước thành viên WCO, nhưng thuộc điểm 2, 3, 4, 5 thì phải nộp để đảm bảo quản lý.

Liên quan đến thời điểm nộp C/O, dự thảo quy định, các trường hợp chỉ được nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan như: Hàng hóa NK có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EAV; Hàng hoá thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát, để được NK; Hàng hoá thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng; Hàng hóa thuộc diện đang được thông báo nghi ngờ NK từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; hàng hóa thuộc diện quản lý NK theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Các trường hợp được nộp tại thời điểm khác như: C/O mẫu VK (KV) được nộp trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong thời gian chưa nộp C/O, người khai hải quan khai theo mức thuế suất MFN hoặc thông thường.

Dự thảo cũng quy định các trường hợp được nộp C/O trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và các trường hợp người khai hải quan được nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt...

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty TNHH TOTO Việt Nam đặt câu hỏi căn cứ vào đâu để ban soạn thảo đưa ra những thời hạn nộp C/O khác nhau, ví dụ thời hạn cho C/O VK-KV là 1 năm; có C/O phải nộp ngay; có C/O được nộp trong 30 ngày.

Trả lời câu hỏi của DN, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong các hiệp định Việt Nam đã kí kết, phần lớn không đàm phán về thời điểm nộp C/O, thời điểm do luật pháp từng quốc gia quy định. Đồng thời, việc nộp C/O để hưởng ưu đãi thuế phải thực hiện trước khi hết thời hạn hiệu lực của C/O. Riêng đối với C/O mẫu VK (KV) tại hiệp định đã thống nhất thời điểm nộp C/O trong vòng 1 năm.

Liên quan đến vấn đề khai bổ sung C/O, đại diện Hiệp hội Xăng dầu đặt câu hỏi, trường hợp khi khai báo hải quan, người khai hải quan quên không đánh dấu có hưởng ưu đãi C/O, nếu sau này xuất trình lại được C/O thì có được phép hưởng ưu đãi hay không? Trả lời câu hỏi của DN, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: Về nguyên tắc đối với các trường hợp NK thông thường để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt phải nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, trường hợp có C/O phải khai báo nợ trên tờ khai hải quan; khi có C/O thực hiện thủ tục nộp bổ sung cho cơ quan Hải quan trong thời gian 30 ngày bằng hình thức khai bổ sung. Tuy nhiên, dự thảo quy định một số trường hợp cho phép được nộp vào thời điểm khác. Chẳng hạn như trường hợp NK hàng ưu đãi đầu tư nhưng sau khi cơ quan Hải quan kiểm tra điều kiện miễn thuế không đảm bảo thì DN khai lại và cho phép nộp bổ sung C/O; dự thảo thông tư cũng quy định điều kiện để DN được khai lại.

Đưa quyền DN vào xác minh xuất xứ

Tại buổi làm việc, các DN cũng cho ý kiến về quy định xác minh xuất xứ hàng hóa NK. Theo ý kiến của đại diện Petrolimex, quy định này đã tạo cơ sở cho DN được tham gia vào quá trình xác minh C/O. Đây là điểm mới, tạo thuận lợi cho DN. Theo đó, tại điểm 1 Điều 20 dự thảo Thông tư quy định: Trường hợp nội dung thông tin trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với bộ hồ sơ hải quan và các quy định về kiểm tra xuất xứ hàng hóa NK, cơ quan Hải quan gửi văn bản đề nghị người khai hải quan cung cấp thêm tài liệu để chứng minh xuất xứ hàng hoá. Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan Hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm gửi các chứng từ sau để chứng minh xuất xứ hàng hóa NK thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

Dự thảo Thông tư cũng quy định: Trường hợp người khai hải quan không cung cấp được chứng từ chứng minh xuất xứ hoặc cơ quan Hải quan chưa đủ cơ sở để xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp thì cơ quan Hải quan tiến hành xác minh tính xác thực của các chứng từ chứng nhận xuất xứ hoặc tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của hàng hóa với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Đối với trường hợp xác minh tính xác thực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hoặc tính chính xác của thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan để xem xét áp dụng các ưu đãi về thuế, người khai hải quan khai thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường.

Đối với trường hợp xác minh tính xác thực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hoặc tính chính xác của thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của hàng hóa phát sinh trong quá trình kiểm tra sau thông quan, trong thời gian chờ kết quả xác minh, thuế suất NK được áp dụng theo mức thuế suất đã áp dụng tại thời điểm làm thủ tục hải quan... 

Dự thảo Thông tư kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK được xây dựng với 24 Điều, quy định cụ thể về các nội dung như: Quy định chung; quy định về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa XK, NK; Quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa XK; Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa NK; Điều khoản thi hành.

Theo baohaiquan.vn

 

Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo HCD Group Facebook HCD Group Youtube HCD Group